Dự án do Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD hợp tác cùng "Nghe bằng mắt" thực hiện, thuộc khuôn khổ chương trình "Kêu gọi đề xuất ý tưởng: Nghệ thuật bao hàm" của Goethe-Institut Hà Nội. Các hoạt động của dự án bao gồm đào tạo làm phim (truyện ngắn) cho người Điếc; trình chiếu phim; giao lưu với nghệ sĩ nổi tiếng; các buổi trao đổi, thảo luận về điện ảnh dành cho người Điếc và người Nghe quan tâm tới cộng đồng, diễn ra từ tháng 10/2024 đến tháng 01/2025.
Hiện nay, người Điếc đang gặp phải nhiều rào cản lớn trong việc tiếp cận với nghệ thuật phổ thông, đặc biệt là điện ảnh. Dù các bạn có thể tiếp cận với điện ảnh quốc tế thông qua internet và các bộ phim chiếu rạp có phụ đề tiếng Việt, nhưng đáng tiếc thay, điều kiện để các bạn trải nghiệm điện ảnh trong nước lại rất thiếu thốn. Nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt các khóa học đào tạo bài bản, khiến người Điếc gặp khó khăn trong việc đóng góp và tham gia sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật. Số lượng phim do người Điếc thực hiện ở Việt Nam còn rất hạn chế.
Thế giới của người Điếc luôn ngập tràn hình ảnh đặc sắc và giàu sáng tạo. Ngày càng có nhiều bạn trẻ Điếc theo học đồ họa và các phương thức kể chuyện bằng hình ảnh, nhưng lại thiếu môi trường để phát huy khả năng và thực hành nghệ thuật. Dự án này ra đời để đáp ứng nhu cầu học hỏi và phát triển chuyên môn về điện ảnh của người Điếc, đồng thời tạo điều kiện để các bạn tự mình sáng tạo những bộ phim mang dấu ấn cá nhân. Qua đó, dự án cũng mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật cho cộng đồng người Điếc.
Như tên gọi "Nghe bằng mắt, nói bằng phim," dự án hy vọng những sản phẩm phim ngắn có thể trở thành tiếng nói của người Điếc, giúp các bạn kể những câu chuyện về cộng đồng và xã hội qua góc nhìn sống động của mỗi cá nhân. Các thành viên tham gia sẽ được rèn luyện và phát triển các kỹ năng sống như tính tự lập, sự tự tin, khả năng quan sát, giao tiếp, kỷ luật, làm việc độc lập cũng như làm việc nhóm. Những bộ phim hoàn thành trong dự án sẽ mang đến cho khán giả những góc nhìn đa chiều về cộng đồng người Điếc nói riêng và xã hội Việt Nam hiện nay nói chung. Thông qua quá trình sản xuất và chiếu phim, cùng các buổi thảo luận, dự án mong muốn góp phần đưa người Điếc và người Nghe lại gần nhau hơn, đồng thời nâng cao nhận thức của công chúng về cộng đồng người Điếc. Cuối cùng, dự án không chỉ đa dạng hóa các phương thức sáng tạo mà còn thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong cách nhìn nhận và hiểu biết về hoạt động nghệ thuật, hướng tới một xã hội hòa nhập, bình đẳng và yêu thương, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.
Đối tác dự án
Năm 2015, “Nghe bằng Mắt” được thành lập với sứ mệnh kết nối người Điếc và người Nghe thông qua nghệ thuật và các hoạt động giáo dục - xã hội. Nhóm hướng đến nâng cao năng lực và khẳng định vị thế của người Điếc trong xã hội. Sau gần một thập kỷ hoạt động, Nghe bằng Mắt đã xây dựng được một cộng đồng đông đảo những người Điếc đam mê và thực hành nghệ thuật. Nhóm đã cùng các thành viên khám phá và thực hiện nhiều dự án nghệ thuật như Cuộc thi "Thanh âm có màu gì", chuỗi video phòng chống bạo lực giới cho phụ nữ và trẻ em gái Điếc, phim ngắn “Nơi tôi thuộc về”, “Ăn Ốc Nói Bò…”, và sự kiện Nghe bằng Mắt thường niên.
Trung tâm TPD và Nghe bằng Mắt đã có mối quan hệ gắn bó trong nhiều năm qua, với một số thành viên của nhóm từng tham gia hoạt động làm phim tại Trung tâm. Trong dự án này, các thành viên của Nghe bằng Mắt, cùng hợp tác với Trung tâm TPD, sẽ trực tiếp tham gia ở nhiều vai trò khác nhau như điều phối, giảng dạy và trợ giảng.
Hoạt động dự án
Kéo dài từ tháng 10/2024 đến tháng 01/2025, dự án bao gồm ba phần chính:
Đào tạo: Trong 10 buổi học lý thuyết và thực hành (hai buổi mỗi tuần), học viên sẽ được hướng dẫn cách thực hiện các sản phẩm phim truyện ngắn với đề tài về người Điếc.
Thảo luận về điện ảnh và giao lưu với nghệ sĩ nổi tiếng: Cơ hội cho người Điếc tiếp cận sâu sắc hơn với nghệ thuật, khám phá đa dạng cách sử dụng ngôn ngữ kể chuyện bằng hình ảnh.
Trình chiếu phim: Các bộ phim được sản xuất trong khóa học cùng với những phim do chính cộng đồng và các thành viên điều hành trước đây sẽ được trình chiếu tại rạp và Viện Goethe Hà Nội.
Quá trình học tập sẽ được thiết kế với những điều chỉnh hợp lý nhằm tối ưu hóa lợi ích cho người Điếc. Giảng viên đứng lớp là những nhà làm phim có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh và làm việc với người Điếc; phim sẽ được cung cấp phụ đề; và các yếu tố cần lưu ý khác để cải thiện trải nghiệm học tập cho cộng đồng người Điếc.
Trước đây, người Điếc chỉ có một cơ hội duy nhất để học làm phim vào năm 2015, nhưng với quy mô khiêm tốn và chỉ có các hướng dẫn viên là những bạn trẻ yêu điện ảnh muốn chia sẻ đam mê. Hi vọng sự kết hợp giữa Nghe bằng Mắt và Trung tâm TPD sẽ mang lại cơ hội học tập bài bản và chuyên nghiệp hơn, cung cấp những góc nhìn sâu sắc và truyền cảm hứng.
Cách thức tham gia
Để đảm bảo lớp học diễn ra một cách hiệu quả nhất, dự án sẽ nhận khoảng 20-25 học viên mỗi lớp. Quy trình tuyển chọn gồm hai vòng: đăng ký trực tuyến và phỏng vấn trực tiếp (bằng ngôn ngữ kí hiệu). Thông qua hai vòng này, chúng tôi hi vọng có thể tìm được những bạn cam kết tham gia cả về mặt thời gian, lẫn mong muốn, đam mê và sự yêu thích đối với dự án.
Các sự kiện thảo luận, trò chuyện về điện ảnh và các buổi chiếu phim sẽ được mở cửa cho khán giả, bao gồm cả người Điếc và người Nghe, có hứng thú với dự án đến tham gia. Mỗi sự kiện sẽ có phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu và được mở đăng ký trực tuyến.